Thứ Hai, 12 tháng 12, 2011

Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sản xuất nhiều gạo bảo đảm an ninh lương thực cho chính chúng ta


Chiều 23/11, Quốc hội dành trọn cả phiên để các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Nông nghiêp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát. Trong khoảng hai giờ rưỡi, có tới 34 câu hỏi của các đại biểu, trong đó nhiều đại biểu tái chất vấn. Ngoài các câu hỏi về chủ đề thực hiện chính sách đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai, lũ lụt; giữ diện tích trồng lúa 3,8 triệu ha còn khá nhiều câu hỏi trực tiếp liên quan tới các địa phương.
“Nước ta đảm bảo an ninh lương thực cho thế giới thì lợi gì, hại gì?”, đại biểu Nguyễn Văn Tiên băn khoăn – câu hỏi liên quan sát sườn tới Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất vừa được Quốc hội thông qua một ngày trước đó, trong đó có chỉ tiêu bảo vệ hơn 3,8 ha đất lúa.
Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định, một mặt Việt Nam phát triển sản xuất để đảm bảo tiêu dùng trong nước nhưng mặt khác cây lúa là lợi thế của Việt Nam, là sự sàng lọc của lịch sử. Theo ông Phát, không ngẫu nhiên nước ta trở thành nước xuất khẩu gạo lớn thứ hai thế giới khi mà diện tích trồng lúa của ta nhỏ hẹp.
DSC 5270 Bộ trưởng Cao Đức Phát: Sản xuất nhiều gạo bảo đảm an ninh lương thực cho chính chúng ta
Bộ trưởng Cao Đức Phát. Ảnh: Hoàng Hà
“Cây lúa là thế mạnh, kinh tế chỉ có thể phát triển khi tập trung vào thế mạnh, nên ta phải phát huy, gìn giữ cho con cháu. Chúng ta không sản xuất nhiều gạo để làm an ninh lương thực mà vì chính chúng ta”, Bộ trưởng Nông nghiệp nói song cũng lưu ý thêm rằng, ngoài cây lúa Việt Nam cũng có những cây trồng khác có lợi thế tương đương cây lúa, ví dụ như cây điều.
Liên quan tới chỉ tiêu giữ 3,8 triệu ha đất lúa, đại biểu Nguyễn Thị Khá đặt câu hỏi: “Với việc chặt phá rừng bừa bãi, khai thác nước ngầm bừa bãi, quy hoạch treo, tác động của biến đổi khí hậu thì có giải pháp nào để ngăn chặn và giữ 3,8 triệu ha đất lúa trong những hoàn cảnh khó khăn như vậy?”
Bộ trưởng Phát cho rằng, đây là vấn đề lớn, diện tích đất nước ta giảm trong những năm qua có nhiều yếu tố, cả tự nhiên và con người. Để thực hiện mục tiêu giữ 3,8 triệu ha cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, hạn chế mức tối thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, hạn chế lấy đất nông nghiệp chuyển sang phi nông nghiệp. Ngoài ra, cần có chính sách phù hợp với địa phương, hộ chuyên trồng lúa.
Do vấn đề liên quan tới Bộ Tài nguyên Môi trường nên Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình thêm. Theo ông Quang, trong số này chỉ 3,2 triệu ha lúa hai vụ, còn lại là lúa nương (100.000 ha) và lúa một vụ (500.000 ha). “Sắp tới sẽ có biện pháp khuyến khích địa phương giữ đất lúa, còn với những vùng chưa sử dụng đất trồng lúa hiệu quả thì xây dựng các phương án để tăng hiệu quả sử dụng đất. Nếu diện tích cần chuyển đổi mục đích thì địa phương phải có giải pháp và đề xuất cụ thể”, ông Quang nói.
Trong phiên chất vấn, hàng loạt câu hỏi của các đại biểu cũng đặt lại vấn đề liên quan tới việc cho nước ngoài thuê đất trồng rừng với diện tích 300.000 ha – chủ đề từng gây nhiều tranh luận ở kỳ chất vấn Quốc hội khóa 12. Theo Bộ trưởng Phát, Bộ Nông nghiệp cùng các bộ đã kiểm tra rất nghiêm túc, đưa ra chủ trương dừng cho thuê, rà soát những nơi đã cấp, chỗ nào chồng lấn vùng nhạy cảm thì loại bỏ; nơi nào đã cấp mà phù hợp với tiêu chuẩn về trồng rừng mà không vào vùng nhạy cảm mới cho tiếp tục.
Theo ông Phát, hiện các Bộ, ngành vẫn kiểm soát chặt và tất cả địa phương đã thực hiện nghiêm túc chủ trương này. Con số cấp giấy chứng nhận vẫn như 2010, tức là cho thuê hơn 18.000 ha còn trên thực tế các công ty nước ngoài trồng chỉ hơn 13.000 ha rừng.
Bổ sung vấn đề, Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, trong số các dự án trồng rừng từ 1995 đến nay, có 10 dự án được cấp phép, trong đó chỉ có hơn 18.000 ha có ký kết hợp đồng trồng rừng và hiện tại đã được sử dụng. Qua rà soát, cơ bản các địa phương thực hiện đúng theo quy trình cấp phép, trình tự. Đất rừng cho thuê chủ yếu là đất trống, đồi núi trọc. Từ khi Thủ tướng có chủ trương dừng cấp phép, đến nay không có thêm một dự án nào được cấp phép. “Chúng tôi đã tiếp thu và thực hiện nghiêm túc”, Bộ trưởng Vinh nhấn mạnh.
Đến cuối phiên chất vấn, trong tay Bộ trưởng Cao Đức Phát còn hơn ba trang câu hỏi chất vấn của các đại biểu xoay quanh các vấn đề trọng tâm của lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Ông Phát trả lời tiếp môt loạt chất vấn của các đại biểu về giải pháp liên kết “4 nhà”, chiến lược phát triển sản phẩm nông nghiệp sản xuất công nghệ cao, nâng cao hiệu quả sản xuất sản phẩm nông nghiệp…
Cũng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ đã bổ sung ý kiến để làm rõ hơn một số nội dung được các đại biểu chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát xung quanh vấn đề tổng mức đầu tư cho nông nghiệp và thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Theo ông Huệ, tổng mức chi đầu tư cho nông nghiệp nông thôn luôn tăng qua các năm và năm 2012 dự kiến đạt trên 40% đầu tư của toàn xã hội. Về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, năm 2011 đến 2013 tập trung bảo hiểm rủi ro thiên tai và dịch bệnh. Dự kiến năm 2012 sẽ dành 1.200 tỷ đồng cho việc bảo hiểm nông nghiệp.
Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng tham gia với Bộ Nông nghiệp về vấn đề nhập khẩu nông sản, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng hệ thống phân phối đặc biệt với 11 mặt hàng thiết yếu như gạo, muối, phân bón, thức ăn gia súc…
Đánh giá phiên chất vấn “thẳng thắn, nghiêm túc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của nông nghiệp – nông dân – nông thôn, vấn đề chiến lược, trọng đại, liên quan tới đời sống của hơn 70% dân số. Đặc biệt, những năm gần đây, ngành nông nghiệp chứng tỏ tầm quan trọng khi giúp đất nước vượt qua suy thoái, lấy lại đà phục hồi kinh tế.
Theo ông Hùng, trả lời của các bộ trưởng đã đưa ra được dự báo, cam kết thúc đẩy phát triển nông nghiêp lên trình độ cao hơn. “Chất vấn đã làm rõ nhiều vấn đề, nông thôn mới, giáo dục, dạy nghề, để người lao động nông thôn có trình độ cao hơn, chất lượng hơn và có thu nhập cao hơn”, Chủ tịch Quốc hội chốt lại.
Chiều 22/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về quy hoạch sử dụng đất 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015) cấp quốc gia. Theo đó, Quốc hội chấp thuận một số chỉ tiêu lớn, quan trọng như đến 2020 giữ lại hơn 26,7 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó diện tích đất trồng lúa hơn 3,8 triệu ha (đất chuyên trồng lúa nước 2 vụ trở lên hơn 3,2 triệu ha).
Tuy nhiên, để đảm bảo giữ được số đất trên, Quốc hội yêu cầu Chính phủ khi tổ chức thực hiện phải tập trung tăng đầu tư hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, xây dựng cơ sở bảo quản, chế biến, tiêu thụ tại các địa phương giữ nhiều đất lúa; có chính sách và biện pháp phù hợp để giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập, để người trồng lúa yên tâm sản xuất…
Nguyễn Hưng

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét